Trời tháng sáu nắng như đổ lửa trên cánh đồng vắng đầu làng. Đã xế trưa nhưng Thuỳ vẫn cấy nốt đám ruộng dang dở. Đôi tay nhỏ nhắn đen sạm thoăn thoắt tỉa từng khóm mạ vàng úa cắm lia lịa xuống lớp nước mỏng sủi tăm như chực sôi lên.Chợt có tiếng gọi réo rắt từ phía sau:
- Chị Thuỳ ! về mau, về mau, mẹ nói về mau lên!
Chẳng chờ cô có nghe thấy hay không, thằng bé quay phắt nhảy lò cò biến mất về phía khóm tre đầu làng.
Tưởng có việc gấp,cô cũng quẳng nốt nhúm mạ rồi khoả tay lật đật chạy về.
Đến đầu ngõ mẹ cô như đứng chờ tự khi nào,bà hồ hởi chạy tới cầm lấy bàn tay cô khẽ lay:
- Nó đến rồi đấy,mày vào bếp rửa ráy rồi thay quần áo mau mau mà lên,nó đang chờ.
Trong phòng khách, bà Mối-một phụ nữ không xa lạ với bất cứ ai trong xã thậm chí có thể xếp bà thuộc hạng người nổi tiếng, người của công chúng.Việc của bà cũng không mới không lạ,đó là nghề mai mối xe duyên kết tóc cho các đôi trai gái đang tuổi cập kê. Công việc mà hàng ngàn năm trước đã có và được ghi lại trong văn chương sử sách. Cũng chẳng có gì để bàn thêm về nghề này nhưng cái đáng nói bà là người nhanh nhạy và tân thời. Thời gian gần đây đối tượng cửa bà là mai mối cho các cô gái trong làng trong xã với những ông khách ngoại quốc giàu có điển trai. Sau mấy vụ tác hợp thành công bà trở nên giàu có và được nhiều người kính trọng. Không những thế, bà là ân nhân là đấng cứu thế cho những cô gái quê thiệt thòi và cả gia đình họ. Hàng bao bậc phụ huynh nghèo sẵng sàng giết gà mổ heo chỉ để mời bà đến nhà nhờ xem xét giúp đỡ khi trình bày nguyện vọng xuất giá cho con mình.
- Chị và anh chờ cho chút, em nó lên ngay ạ! Mẹ Thuỳ đon đả dốc cái ấm đất mẻ vòi tiếp nước cho hai người.Ngồi đối diện với bà Mối là một thanh niên to béo trắng trẻo,mặt rộng bè bè, cổ đeo dây chuyền vàng to hơn ngơn tay như muốn níu xuống cái khuôn mặt nặng nề bóng nhẫy mồ hôi.
- Em nó lên rồi đấy ạ! chào dì Mối và anh Vu đi con.
Thuỳ lí nhí rồi khép nép ngồi bên mẹ, thỉnh thoảng cô lại liếc mắt nhìn trộm người đàn ông mà có thể sẽ là chồng mình.
Bà Mối bắt đầu giới thiệu:
- Thuỳ này, toàn người nhà cả đừng sợ, đây là anh Vu người Đài Loan, năm nay tròn 29 tuổi là kĩ sư,gia đình tử tế khá giả. Khi dì giới thiệu thân thế gia cảnh nhà ta và nhất là xem xong bức hình của mày nữa là ảnh khoái mày luôn. Phen này mà thành coi như chuột sa bồ thóc. Mày sẽ là bà Việt kiều con ạ,lúc ấy đừng có mà quên dì nghe!
Rồi bà liếc sang người thanh niên tên Vu đang ngơ ngác như gà công nghiệp nói thứ tiếng lơ lớ lai lai:
- Mít tờ Vu !, đây là Thuỳ, Mít xì ... Thuỳ, 18 tuổi. Ô kê?. Mụ dơ ngón tay cái kèm một cái nháy mắt ăn ý. Sau lưng mụ, người mẹ gầy lam lũ đưa tay lén lau những giọt nước mắt trên gò má nhăn nheo rồi ôm chầm cô con gái đầu lòng sắp sửa xuất giá làm dâu sang xứ người, nơi mà trí tưởng tượng nghèo nàn của người phụ nữ gần cả đời người đầu tắt mặt tối chưa một ngày bước ra khỏi làng quê không thể nào hình dung ra nổi.
Bữa dạm hỏi và lễ cưới họ gộp vào nhau rồi gói gọn thành một bữa tiệc nhỏ giản đơn mời họ hàng chòm xóm, phần vì thời gian lưu lại của Vu không còn nhiều, phần nữa nhà trai chẳng có ai ngoài chính chú rể.
° ° °
Ngày đầu tiên sau khi xuống sân bay Vu đưa người vợ trẻ về thẳng nhà hắn. Đó là một khu chung cư cũ xập xệ nằm sâu trong con hẻm ngoằn nghèo lắt léo. Họ leo cầu thang đến tầng sáu rồi bước vào một căn hộ khá rộng rãi nhưng rất bề bộn. Vu nói là nhà của hắn đang thuê trong khi nhà mới sắp hoàn thiện và sẽ chuyển đến đó trong nay mai.
Tối đêm đó cũng là đêm đầu tiên họ ở trên cương vị vợ chồng đúng nghĩa. Sau một ngày tàu xe mệt mỏi Thuỳ rất buồn vì nhớ nhà, phần nữa những gì cô thấy hoàn toàn khác xa so với những gì mụ Mối khoe khoang nên làm cho Thuỳ bỗng chốc trở nên bơ phờ hụt hẫng. Đã quá nửa đêm cô nằm một mình trong phòng vẫn chưa chợp được mắt. Vu hẹn sẽ về ngay sau khi chạy sang nhà bố mẹ hắn chuẩn bị gì đó cho ngày hôm sau.
Bỗng có tiếng gõ cửa khá rụt rè, đoán Vu vào ngủ Thuỳ vội đứng dậy ra mở then cài.
Cô hoảng hồn đưa tay bịt miệng suýt hét lên khi người trước mặt không phải là Vu mà là một ông lão trạc sáu mươi tay chống cái nạng thay cho cái chân trái lủng lẳng chỉ còn một nửa. Dường như biết sự xuất hiện của mình làm cô gái trẻ sợ hãi, lão đưa hay huơ huơ miệng ú ớ câu gì mà Thuỳ không hiểu tiếng. Buồn hơn, mấy động tác của lão cũng như thân hình có phần dị dạng hiện lên rõ hơn trong đêm tối chỉ càng làm cho nỗi sợ của Thuỳ lên đến đỉnh điểm. Lão vội lạch cạch bỏ đi như một giải pháp tốt nhất tạm huỷ bỏ kế hoạch nào đó mà lão định thực hiện trước khi mò đến phòng cô.
Thuỳ đóng sầm cửa riết chặt then rồi đứng chơ vơ giữa phòng hoang mang lo lắng.Vu không về, lão già kia là ai? đây là đâu ? hàng chục câu hỏi khó hiểu ập đến làm cô mường tượng những điều tệ hại sắp chờ cô phía trước. Giá như cô không sang đây, giá như mẹ cô không mời bà Mối, giá như cô không mơ tưởng hão huyền...và lại giá như...
Đến hôm sau trời đã sáng rõ Thuỳ mới đủ can đảm mở cửa buồng rồi tò mò dò xét đi khắp căn nhà trống trải, tất cả vắng teo, lặng thinh. Trên bàn đã chuẩn bị một phần bánh bao và cốc sữa to như ai đó dành cho cô.
° ° °
Đài Bắc một chiều mùa đông mưa phùn như một màn sương bao phủ. Con phố nhỏ đông đúc nhạt nhoà nhưng yên lặng, không có ô tô không xe máy, chỉ dòng người tất bật rảo bước. Thuỳ bước ra từ siêu thị tay mang tay xách những đồ ăn và nhiều thứ vật dụng hàng ngày. Cô như gầy đi nhiều so với hồi mới đến. Đang rảo bước chợt có một phụ nữ dáng quen đi trước, Cô đuổi theo gọi tên. Người phụ nữ quay lại làm Thuỳ hụt hẫng vì nhận nhầm.
- Xin lỗi,tôi nhầm.
- Chị..chị cũng là người Việt à? Người phụ nữ hơn Thuỳ trạc vài tuổi gần như reo lên.
- Ừ tôi là người Việt...
Chưa kịp nói gì thêm thì cô gái có điện thoại, hình như ai đó thúc giục, cô ta vội vã rẽ sang đường rồi mất hút trong con hẻm, trước khi đi chỉ kịp nói tên Lệ rồi đưa số đện thoại cho Thuỳ hẹn sẽ gặp nhau.
Ba ngày sau cũng tại cổng siêu thị họ lại hẹn nhau rồi vào một quán chè Tàu bên phố. Họ ríu rít như chị em lâu ngày gặp nhau, nỗi cô đơn giữa chốn tha phương dường như kéo những con người vốn xa lạ gần nhau hơn.
- Em sang lâu chưa?. Lệ hỏi
- Dạ,em sang gần nửa năm rồi? còn chị?
- Chị đã ở đây gần ba năm,ba mùa đông xa nhà rồi em ạ! Giọng Lệ trầm xuống rồi lặng lẽ đưa ánh mắt đen sâu thẳm nhìn ra ngoài khung cửa sổ mờ sương. Chẳng cần nói nhiều Thuỳ như hiểu phần nào hoàn cảnh của Lệ, có lẽ nó cũng giống như cô. Tuy sống trong hai hoàn cảnh với hai người chồng khác nhau nhưng con đường mà hai người đã bước đi cùng chung một lối. Một kịch bản dù kẻ đạo diễn là những người khác nhau. Lệ kể cô sang đến đây thì người chồng lập tức trở mặt. Con người phụ bạc kia bỏ cô đi theo người đàn bà khác rồi để lại cả gia đình chồng gần chục người đều trông vào ban tay cô lo toan phục vụ. Lòng chất nặng nỗi tủi hổ chua cay, ở lại không chịu được bỏ về cũng không xong.
- Nhiều khi chị muốn chết quách cho xong em ạ, nhưng nghĩ đến mẹ già cùng đàn em nhỏ dại ở quê lại thôi. Tưởng sang làm dâu người ta sướng lắm ai dè mình trở thành người hầu kẻ hạ lúc nào không hay.
- Thế chồng em nó thế nào,nó có hành hạ em không? Lệ hỏi.
- Em còn tệ hơn chị,cưới được chồng nước ngoài tưởng đổi đời,ít ra là hơn ở nhà hoá ra lại khổ hơn. Thuỳ ngập ngừng rồi cô cũng giấu nhẹm Lệ cái chuyện chồng cô mất tích bí ẩn đằng sau một ông lão tật nguyền nhưng đem lòng yêu thương cô thật sự. Câu chuyện của cô có lẽ không ai biết và cô cũng sẽ giấu tất cả mọi người ngay cả mẹ cô. Điều đó thậm chí đối với cô cũng mãi mãi là màn đêm bí ẩn.Thuỳ cắn răng chịu đựng, cô không than vãn kêu ca, cô xem đó như một định mệnh trời đất đã sắp đặt sẵn cho cô.
- Mà thôi em ạ, như chị em mình cũng còn may chán,mấy con bạn của chị còn bị lừa vào nhà thổ cơ,đứa trốn được đứa lại bị bán đi mất tích chẳng ai biết đâu mà tìm.. Lệ khẽ thở dài.
- Không, em sẽ trốn về! Sắc mặt Thuỳ nghiêm lại
- Xuỵt! khe khẽ thôi, thật à?
- Em đã lên kế hoặch rồi,chị về thì đi theo em.
- Tiền đâu? mẹ chồng chị giấy tờ tiền bạc bà giữ hết, không giấy tờ thì lên máy bay kiểu gì?
- Chị yên tâm,em sẽ có cách, chỉ cần chị nghe theo em!
Từ hôm đó họ hẹn hò trao đổi bí mật hơn. Khoản chi phí đi máy bay họ tìm cách vay mượn một số anh em bạn bè trong nước gửi sang,cũng như khoản dành dụm từ lâu họ chưa kịp gửi về. Đêm cuối cùng họ lẻn lấy giấy tờ mà người nhà nắm giữ, lấy vội hành lí cần thiết rồi thuê xe ra thẳng sân bay trước khi trời sáng.
Khi máy bay cất cánh họ mới thở phào nhẹ nhõm tin rằng đã vĩnh viễn thoát khỏi nơi địa ngục mà hàng mấy lâu nay nhẫn nhục cam chịu.
Chiếc máy bay đã đến sân bay Hy Vọng. Làm thủ tục an ninh xong hai người bước ra khỏi sảnh hành khách. Họ ôm chầm lấy nhau khóc nức nở khi phải nói lời từ biệt. Lệ quê xứ Muối Biển vào đến xứ Nhút miền trung quê Thuỳ chỉ vài giờ ô tô. Họ thề sẽ đến thăm nhà nhau trong một dịp gần đây nhất.
Thuỳ và Lệ cùng bắt hai xe ôm và cùng đi về hai bến xe khác nhau của thành phố mà họ biết để lên đường về quê trong ngày. Hai chiếc xe máy vừa ra khỏi khu vực sân bay qua ngã tư xe Thuỳ lao lên trược xe Lệ gặp đèn đỏ dừng lại phía sau. Bỗng có chiếc taxi ngược chiều đang chầm chậm rẽ vào sân bay. Trong xe có hai người một nam một nữ. Như nhận ra ai đó rất quen Lệ kéo giật vai bác xe ôm quay lại đuổi theo.Quá bất ngờ gây luống cuống bác xe ôm ngã nhoài ra đường. Lệ vùng dậy vứt mấy cái túi xuống rồi chạy như điên theo chiếc taxi. Như linh cảm được điều gì không hay chiếc taxi dừng lại, rồi hai người khách mở cửa chạy nhanh về phía sảnh chờ khách.
Lệ đuổi riết phía sau chỉ tay miệng hét điên loạn:
- Bắt nó lại, quân lừa đảo, thằng khốn khiếp!
Đã phóng đi khá xa nhưng Thuỳ nghe tiếng Lệ la hét thất thanh đằng sau, tưởng bạn bị cướp cô cho xe ôm tức tốc quay lại tiếp ứng.
Lúc này một góc phi trường như náo loạn, mấy chiến sĩ cảnh vệ sân bay mặc đồng phục chạy dồn dập xông xáo trong đám người chen lấn xô đẩy. Lệ đã tóm được người đàn ông trong taxi chạy ra cô la hét cấu xé túi bụi làm hai cảnh vệ vất vả mới tách được cô ra. Người phụ nữ trẻ măng đi cùng khiếp đảm chạy thục mạng nhưng bị một cảnh vệ chặn lại rồi họ mời ba người vào phòng bảo vệ làm việc.
Thuỳ chạy đến thì cũng là lúc cánh cửa chắc chắn đóng sập lại trước hàng chục cặp mắt hiếu kì. Cô trườn qua đám người hỗn loạn đang xô đẩy rồi áp tai vào cánh cửa. Bên trong tiếng Lệ vang ra lanh lảnh:
- Nó là chồng tôi, thằng đểu cáng, nó bỏ tôi để sang đây lừa gái..... tao xé xác mày!..
- Trật tự ! chị là ai? xin chị cho kiểm tra giấy tờ.
- Đây, chứng minh thư tôi đây, nó là chồng tôi, hắn lừa tôi và bỏ tôi đi theo gái. Con kia ! mày nữa, mày cướp chồng tao hả? mày...
Một giọng nghêm khắc văng lên cắt ngang:
- Chị nhầm rồi, ông khách này là người Đài Loan, họ sang cưới vợ và đầy đủ giấy tờ kết hôn, sao chị lại hồ đồ lẫn lộn làm mất trật tự nơi công cộng như thế được, lại mất thể diện với khách quốc tế.Tôi cảnh cáo...
- Nhầm là nhầm thế nào, nó đã cưới tôi, giấy tờ đường hoàng, tôi có người làm chứng ....thằng khốn nạn tao xé xác mày. Bỗng phía trong vang lên tiếng loảng xoảng tung toé như một vụ ẩu đả. Thuỳ rùng mình lo lắng cho sự an toàn của bạn, cô lấy hết sức đạp tung cánh cửa lao vào.
Cánh cửa bung ra cô như chết lặng người đi khi trước mặt cô là một người đàn ông to béo khuôn mặt bè bè xây xẩm rớm máu đang thất thần hú vía kia chính là Vu.