Hơn một năm nay, anh chỉ biết nằm sấp. Hai cánh tay cứng đơ thành hình vòng cung, nên khi nằm một tay anh phải thõng xuống giường. 43 tuổi, từ người đàn ông khỏe mạnh, anh giờ còn thua cả đứa trẻ con khi không tự mình đút cơm vào miệng…
Những vết bỏng khắp người đã thành sẹo khiến toàn thân anh đơ cứng.
Lúc mới gặp anh, trong tôi cũng dấy lên niềm kinh sợ khi nhìn những di chứng của bỏng thật khủng khiếp để lại trên người. Toàn thân từ mặt, bụng, lưng, tay và chân, không đâu không có những mảng sẹo lồi đóng dày thành lớp, khiến tôi liên tưởng như có ai chơi trò “đắp bê tông bằng thịt” lên người anh.
Nỗi sợ về anh cũng nhanh chóng qua đi, khi tôi nghĩ đến hơn một năm rưỡi qua, vợ anh ngày đêm thức trắng, chăm lo từng ly từng tý cho người chồng gặp tai nạn không may. Chị là Nguyễn Thị Bưởi, năm nay mới 35 tuổi mà người quắt queo, gầy xọp, người vợ đáng thương đang chăm chồng bị bỏng nặng ở Viện bỏng Quốc gia bắt đầu câu chuyện về anh trong nỗi buồn ẩn sau trong mắt.
Khuôn mặt anh Phương biến dạng sau tai nạn bỏng, toàn thân cũng chi chít những vết thương
Hai vợ chồng anh chị quê ở xóm 13, xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, lấy ruộng vườn làm kế sinh nhai. Nhưng kể từ khi hai đứa con anh chị bắt đầu vào học phổ thông, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, buộc chồng chị là anh Phạm Văn Phương (43 tuổi) khăn gói vào Nam làm ăn kiếm thêm tiền nuôi con.
“Anh xin được một chân trong cơ sở kinh doanh gas ở tỉnh Bình Thuận, thu nhập được khoảng 2 triệu/tháng. Tằn tiền để gửi tiền về cho vợ con, chưa được đồng nào thì tai nạn xảy ra, tôi vẫn còn nhớ đó là một ngày tháng 4 năm 2009”, chị Bưởi kể. Đó là cái lần đang thay bình ga, ga bị xì bám vào thân thể anh Phương, lan ra khắp phòng, lại gặp ngay cái bếp than đang đỏ lửa ở góc phòng thế là bùng cháy.
“Lúc đó cả thân người anh ý như ngọn đuốc sống, anh tông cửa chạy ra ngoài, lăn hơn 20 vòng thì lửa mới tắt, sau đó ngất luôn không biết gì”, chị Bưởi cho hay. Tai nạn bỏng lửa làm anh Phương cấp cứu hết bệnh viện huyện, tỉnh. Cả 2 bệnh viện tuyến dưới đều bó tay trước sự tàn phá của “thần lửa” trên cơ thể anh: 95% cơ thể bị bỏng sâu độ 2, độ 3, độ 4. Từ mặt, bụng, lưng, tay và chân, cả phần nách và mông đều chi chít vết thương. Anh lại được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để cấp cứu, phẫu thuật điều trị.
5 tháng nằm điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy (từ tháng 4 đến tháng 9/2009), trải qua 4 lần phẫu thuật cấy ghép da ở hai cánh tay, hông và ngực – là những phần cơ thể bị bỏng nặng nhất – tính mạng của anh Phương đã được cứu sống. Nhưng những di chứng trên cơ thể của anh thì hết sức nặng nề.
Sẹo đóng thành lớp dày như những mảng bê tông trên toàn cơ thể anh Phương
“Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, người ta cũng chỉ làm được có vậy, tôi lại phải đưa anh ra Viện bỏng Quốc gia (Hà Nội) để chạy chữa tiếp. Đã gần một năm điều trị tại đây, đã qua 3 lần phẫu thuật, mà anh nhìn đó, có nơi nào trên cơ thể anh là không có sẹo đâu”, chị Bưởi buồn bã chỉ vào chồng, mắt ngấn lệ xót xa.
3 lần phẫu thuật ở Viện bỏng Quốc gia, các bác sỹ đã giúp tách rời được phần thịt ở 2 nách cánh tay bị dính vào thân. Nhưng 2 cánh tay anh vẫn cứng đơ, cong theo hình vòng cung, không cầm, không nắm được một vật gì. Đớn đau hơn, miệng anh cũng bị sẹo lồi lấp kín, đến nỗi một cái thìa đút cũng không lọt. Hệ quả việc ăn uống của anh còn khó khăn hơn cả trẻ lên ba.
“Tôi chưa thấy cái hoàn cảnh nào đáng thương như vợ chồng anh Phương này. Đêm nào chị vợ cũng xì xà xì xụp cả tiếng đồng hồ đút cho chồng ăn, mà ăn thì băm nhỏ, xay nhuyễn ra để đưa từng tí một vào miệng. Rồi cả đêm cứ thức trắng để xoa, đấm lưng cho anh bớt đau, bớt ngứa”, ông Nguyễn Văn Lẳng, 62 tuổi, một bệnh nhân bị bỏng ở cùng phòng chia sẻ tình cảnh đáng thương của vợ chồng chị Bưởi, anh Phương.
Một năm rưỡi chạy chữa tai nạn, tiền bạc của hai vợ chồng cứ đội nón ra đi. Số tiền của đôi vợ chồng quanh năm làm ruộng vèo cái đã hết 300 triệu đồng, nhưng các bác sỹ bảo ít nhất cũng phải… 20 lần phẫu thuật nữa thì mới hồi phục được những khả năng bình thường của con người: ăn uống, đi đứng, cầm nắm…
Để có được 300 triệu đồng cứu mạng sống cho chồng, chị Bưởi phải vay ngân hàng 50 triệu đồng, vay mượn họ hàng, bạn bè được 50 triệu đồng, rồi phải bán luôn cả căn nhà đang ở được 150 triệu đồng. Đến ngày hôm nay, chị rơi vào trạng thái kiệt quệ: “Giờ cũng không còn nhà để mà về, ở đây thì không có tiền để tiếp tục điều trị, tiến thoái lưỡng nan”, chị Bưởi xót xa.
Cả hai đứa con của anh chị, cô bé Phạm Thị Thu đang học lớp 12 và Phạm Văn Dương đang học lớp 10, không còn nhà đành phải đi thuê trợ. “Điều làm tôi vừa được an ủi, lại vừa thương cho hai đứa con là chúng đều học giỏi, thằng Dương còn được học bổng 500.000 đồng/năm cơ đấy. Nhưng rồi đây chúng sẽ ra sao, rồi số phận sẽ đẩy gia đình tôi đi về đâu…?!”, chị Bưởi đưa ra câu hỏi mà chính chị và cả tôi cũng chưa tìm ra câu trả lời.