Một ổ bọ xít hút máu đến 270 con tại một nhà dân ở Từ Liêm, Hà Nội vừa được tìm thấy. Không chỉ là con trưởng thành mà ổ bọ xít này có cả trứng và đến 70% các cá thể có máu.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, tối hôm qua (10/9), ông cùng các đồng nghiệp đã đến lấy mẫu và tiêu diệt ổ bọ xít hút máu người này.
Theo ông Lam, đây là ổ dịch lớn nhất thu được kể từ khi bắt đầu điều tra thu thập mẫu tại Hà Nội từ tháng 2 đến nay. Vào tháng 7 vừa qua, nơi mà ông Lam và các đồng nghiệp thu được nhiều bọ xít hút máu nhất là ở một căn nhà thuộc quận Hoàng Mai cũng chỉ đến 20 con.
Khu vực Từ Liêm cũng được xác định là nơi có bọ xít hút máu người và nhiều lần ông Lam đã đến để thu mẫu mà chưa tìm được ổ nào.
Bọ xít hút máu người được thu mẫu ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội.
Khi nhận được thông tin, chờ trời tối, ông Lam và các đồng nghiệp mới đến nhà dân này và họ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện được hàng trăm cá thể chỉ trong khuôn viên nhà và sân của nhà trọ.
"Đây là một ổ rất lớn, đang phát triển gồm cả con trưởng thành, trứng... và đến 70% các cá thể có máu", ông Lam cho hay.
Theo ông Lam, khả năng những người dân quanh đây đã từng bị đốt nhưng họ không biết và cũng không để ý. Hơn nữa, thông tin trên địa bàn Hà Nội xuất hiện bọ xít hút máu, hình dáng của nó thì mới đây nhiều người dân mới nghe nói đến.
Với ổ bọ xít được phát hiện này, khả năng phát tán của nó rất lớn vì nhìn các cá thể đều rất khỏe mạnh. Ngay sau đây, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành bóc tách, phân loại.
Trước đó, dư luận từng xôn xao khi liên tiếp phát hiện loại bọ xít hút máu ở Hà Nội và một số tỉnh miền Trung. Vết đốt gây đau nhức, sưng tấy cho con người trong một thời gian ngắn.
Ông Lam cũng cho hay, trên thế giới đã có quá khứ khá tồi tệ với loài côn trùng này. Khi bọ xít hút máu người đốt sẽ truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu. Bệnh trở thành mạn tính sẽ dẫn đến tử vong do nghẽn mạch máu...
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể về loài bọ xít này. Ông Lam đang dự kiến, khoảng vài tuần tới sẽ có nhận định bước đầu về việc ký sinh trùng của bọ xít có truyền bệnh hay không. Lúc đó, sẽ phải quay lại những nhà đã bị bọ xít hút máu để lấy mẫu máu về nghiên cứu tiếp.
Trước mắt, theo các chuyên gia, nếu vô tình bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước và viêm nhiễm. Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.
Để tránh bọ xít hút máu, nhà cửa nên kê ít đồ đạc, giữ cho thông thoáng và vệ sinh sạch sẽ. Dù mùa đông hay hè cũng phơi đệm, quét khe giường thường xuyên. Nếu phát hiện ra loài này ở trong nhà phải kiểm tra lại toàn bộ nhà cửa.
Đặc biệt, những vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.